Tin tức sự kiện
Tin tức sự kiện

Xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện nhằm thiết thực bảo vệ môi trường

Hiện nay, việc dùng tro, xỉ phế thải từ các nhà máy nhiệt điện để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng trong các công trình xây dựng là vấn đề cấp thiết đặt ra, nhằm bảo vệ môi trường và giải quyết nhu cầu nguồn vật liệu thay thế.

Xử lý tro, xỉ mới đạt 87% lượng phát thải
Theo số liệu tổng hợp từ các tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà máy nhiệt điện khác, hiện cả nước có 29 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Trong năm 2021 tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 16 triệu tấn. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (chiếm 64%), giảm dần ở miền Trung (chiếm 25%) và miền Nam (chiếm 11%) tổng lượng thải.
Theo Bộ Xây dựng, tình hình xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các đơn vị có xu hướng gia tăng theo thời gian, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 48,4 triệu tấn, chiếm khoảng 48% tổng lượng phát thải từ trước tới nay (tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm 2020).
Tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực như san lấp, làm phụ gia khoáng cho xi măng, sau đó là dùng làm phụ gia bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt). Ngoài ra tro, xỉ cũng được dùng để thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây (nung và không nung).

Xe bồn thu nhận và vận chuyển tro bay tại xilo nhà máy nhiệt điện theo quy trình “khép kín”. Ảnh: TL

Trong năm 2021, lượng tiêu thụ tro, xỉ đã tăng hơn năm 2020 và đạt 87% tổng lượng phát thải trong năm, nhiều nhà máy nhiệt điện thải đã và đang tiêu thụ tro, xỉ cân bằng hoặc vượt lượng phát thải. Tuy nhiên, tổng lượng đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm hiện vẫn chỉ đạt khoảng 48% so với tổng lượng phát thải từ trước đến nay. Lượng tro, xỉ nhiệt điện vẫn còn tồn đọng tương đối nhiều (khoảng hơn 48 triệu tấn).
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) trong đợt rà soát vừa qua đã chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tro, xỉ tiêu thụ còn chậm, như: Một số nhà máy có bãi chứa tro, xỉ nằm cách xa nơi tiêu thụ (các nhà máy sản xuất xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác, các công trình xây dựng lớn) nên chi phí vận chuyển cao, việc sử dụng tro xỉ chưa hấp dẫn về kinh tế – kỹ thuật nên khó tiêu thụ (như tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4). Bên cạnh đó, còn các nhà máy nhiệt điện chưa thực hiện phân loại riêng biệt tro và xỉ gây khó khăn cho việc xử lý và sử dụng tro, xỉ. Mặt khác, năng lực của đơn vị tham gia xử lý tro, xỉ còn hạn chế nên không thể thực hiện mục tiêu như đã cam kết.
Các bộ, ngành tích cực vào cuộc
Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và một số đơn vị phát thải đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg và bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành về cơ bản đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng; bao gồm 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn và 7 chỉ dẫn kỹ thuật, 3 định mức kinh tế kỹ thuật.
Bộ Xây dựng đang tiếp tục giao Viện Vật liệu xây dựng hoàn thiện Tiêu chuẩn quốc gia TCVN về “Xỉ phốt pho cho sản xuất xi măng và bê tông” (dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2022). Đồng thời, bộ cũng có văn bản chỉ đạo các nhà máy xi măng, các trạm nghiền xi măng tăng cường nghiên cứu và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu, phụ gia trong quá trình sản xuất.
Việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng theo Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được các bộ nghiêm túc triển khai theo lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, trong đó quy định tro bay từ quá trình đốt than của nhà máy nhiệt điện là chất thải rắn công nghiệp thông thường thay vì phải kiểm soát ngưỡng nguy hại theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng chất thải nguy hại như trước đây. Việc thay đổi quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu thụ tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu phục vụ các ngành, lĩnh vực sản xuất; đồng thời, phối hợp thẩm định dự thảo QCVN về bãi chôn lấp chất thải rắn; thẩm định hồ sơ dự thảo TCVN bê tông sử dụng tro bay trong công trình thủy lợi (dự kiến sẽ công bố trong năm 2022).

Nguồn: Thời báo Tài chính VN

Bài tin liên quan

Ngày 16/6, đốt than lần đầu tổ máy 1 Nhiệt điện Thái Bình 2
Ngày 16/6, đốt than lần đầu tổ máy 1 Nhiệt điện Thái Bình 2
Ngày 16/6 tới đây, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ đốt than lần đầu tổ máy 1, hướng tới mục tiêu phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, sau hơn 10...
Vấn đề thương mại than quốc tế và đôi nét về than cho điện của Việt Nam
Vấn đề thương mại than quốc tế và đôi nét về than cho điện của Việt Nam
FPT dự báo về triển vọng của than trong bối cảnh thị trường “nhân tạo” đang ấm lên, nhất là khi khủng hoảng năng lượng và đại dịch Covid-19 chưa chấm...

Xem thêm