Hội thảo có sự tham dự của các đại diện đến từ các cơ quan nghiên cứu và sản xuất như: Tiến sỹ Lê Đức Dũng - Phó Viện trưởng Viện KH&CN Nhiệt lạnh; Ông Trịnh Văn Yên - Trưởng phòng Công nghệ Năng lượng Công ty TNHH MTV Thí nghiệm Điện Miền Bắc; Ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải.
Về phía Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam có ông Nguyễn Hữu Quý – thành viên HĐQT; Ông Phạm Xuân Trường – Thành viên HĐQT; Ông Phan Đại Thành – Phó Tổng Giám đốc; Ông Nguyễn Duy Giang – Phó Tổng Giám đốc; Ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Nhập khẩu và Phân phối Than Điện lực Dầu khí (PV Power Coal); Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Đại Thành – Phó Tổng giám đốc PV Power cho biết NMNĐ Vũng Áng 1 công suất 1200 MW là một trong những dự án điện trọng điểm tại khu vực miền Trung và là dự án nhiệt điện công suất lớn đầu tiên được PVN đầu tư. Sau khi hoàn thành nhà máy được giao cho PV Power quản lý, vận hành. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp, lò tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than anthracite nội địa do Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cung cấp với nhu cầu 3triệu tấn/năm.
Những năm vừa qua được sự quan tâm chỉ đạo sát xao của Tập đoàn/Tổng công ty, Nhà máy đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đề ra và đóng góp cho lưới điện Quốc gia 17 tỷ kwh kể từ khi vận hành đến nay. Tuy nhiên hiện nay, nhà máy đang đứng trước nguy cơ thiếu than để hoạt động. Cụ thể năm 2019, PV Power sẽ phải tự thu xếp 400 nghìn tấn than. Về lâu dài, hàng năm PV Power sẽ phải thu xếp khoảng 1 triệu tấn. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp bổ sung nguồn than cho nhà máy là rất cấp thiết.
Ông Phan Đại Thành – Phó Tổng giám đốc PV Power phát biểu khai mạc hội thảo
Tại Việt Nam, đốt than phối trộn đã được thử nghiệm và ứng dụng thực tế tại nhiều nhà máy, đem lại nhiều hiệu quả tốt như: khắc phục triệt để tình trạng thiếu than, cải thiện chế độ cháy; giảm khối lượng tro xỉ thải và bám xỉ thành lò; nâng cao hiệu quả của lò. Ông hy vọng qua hội thảo, các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu và áp dụng thành công đốt than trộn cho các NMNĐ sẽ đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, giúp PV Power tháo gỡ các khó khăn, giải quyết vấn đề kỹ thuật khi đốt than trộn cho NMNĐ Vũng Áng 1.
Đại diện PVPower Coal trình bày báo cáo về việc “Áp dụng đốt than phối trộn cho NMNĐ Vũng Áng 1”
Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện Công ty Nhập khẩu và Phân phối than Điện lực Dầu khí trình bày báo cáo về việc “Áp dụng đốt than phối trộn cho NMNĐ Vũng Áng 1”; Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh trình bày báo cáo về cơ sở hạ tầng và phương án đốt than trộn tại NMNĐ Vũng Áng 1; Đại diện ban Kỹ thuật PV Power trình bày “Báo cáo các vấn đề kỹ thuật quan tâm khi đốt than trộn tại nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1” và đại diện ban ATSKMT trình bày “Báo cáo tính đáp ứng của hệ thống PCCC khi lưu trữ và vận chuyển than”, Hội thảo đã có cái nhìn tổng quan và cụ thể nhất về vấn đề đốt than phối trộn tại Việt Nam qua các ý kiến đóng góp, những kinh nghiệm chia sẻ từ các chuyên gia.
Công ty Nhiệt điện Duyên Hải - đơn vị đã nghiên cứu và áp dụng thành công đốt than phối trộn giữa than 6a1 sản xuất trong nước và than subbituminous từ Indonesia đã chia sẻ đến hội thảo kết quả đốt than trộn cho NMNĐ Duyên Hải 1; Công ty TNHH MTV Thí nghiệm Điện Miền Bắc đã trình bày về “Công tác kiểm nghiệm, hiệu chỉnh khi đốt than trộn”.
Tiến sỹ Lê Đức Dũng - Phó Viện trưởng Viện KH&CN Nhiệt lạnh trình bày tại hội thảo
Viện KH&CN Nhiệt Lạnh là một trong các đơn vị tiên phong nghiên cứu và áp dụng thành công đốt than phối trộn giữa than anthracite sản xuất trong nước và than subbituminuos tại NMNĐ Ninh Bình 1 theo đề tài khoa học cấp nhà nước KC-05. Tại hội thảo, Tiến sỹ Lê Đức Dũng - Phó Viện trưởng Viện KH&CN Nhiệt lạnh đã trình bày tham luận về “Chương trình Quốc gia về đốt than trộn: Quá trình nghiên cứu, kết quả đạt được”.
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo đã có những trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và được các chuyên gia giải đáp các vấn đề còn vướng mắc một cách chi tiết, cặn kẽ.
Qua hội thảo, các đại biểu đều thống nhất nhận định: Đốt than trộn là giải pháp hiệu quả để đảm bảo an ninh nguồn cung cho các NMNĐ hiện nay; Việc đốt than trộn giữa than anthracite sản xuất trong nước và than nhập khẩu chất bốc cao là khả thi về kỹ thuật, đã được nghiên cứu và áp dụng tại NMNĐ Ninh Bình, Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2; Đốt than trộn giúp cải thiện các vấn đề về kỹ thuật: Quá trình cháy ổn định, hàm lượng Carbon trong tro giảm, hiệu suất tăng, không gây đóng xỉ, giảm lượng tro xỉ; Đốt than trộn với tỷ lệ phù hợp sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn về PCCN trong quá trình vận hành./.