Mặc dù thị trường trạm sạc xe điện tại Việt Nam hiện còn mới, việc đầu tư lĩnh vực này còn nhiều thách thức và rủi ro. Song, với vai trò, trách nhiệm của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện, PV Power sẵn sàng tiên phong đầu tư phát triển 1.000 trạm sạc đến năm 2035, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa giao thông.
Những bước đi đầu tiên
Thị trường trạm sạc xe điện tại Việt Nam hiện chưa có nhiều đơn vị phát triển trạm sạc “hùng hậu”. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, thì tiềm năng của lĩnh vực này là rất lớn. Đây cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Với tầm nhìn xa và sự cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã chính thức triển khai thí điểm trạm sạc xe điện tại Việt Nam. Đây là bước đi đầu tiên trong chiến lược dài hạn của PV Power nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, vừa qua PV Power đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với đối tác Hàn Quốc để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.
PV Power dự kiến sẽ đưa trạm sạc tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội đi vào hoạt động vào tháng 9/2024.
Trước mắt, trong năm nay, PV Power sẽ thí điểm đặt trạm sạc đầu tiên tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Diện tích đặt trạm khoảng 30 - 35 m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất 50 - 60 kW/cổng sạc, tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng, tổng công suất sử dụng 100 -120 kW. Dự kiến trạm sạc này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 9/2024.
Sau khi trạm sạc số 6 Huỳnh Thúc Kháng đi vào hoạt động, PV Power tiếp tục triển khai thí điểm thêm 2 trạm sạc nữa tại 222 đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội (Big C Thăng Long).
Dự án phát triển hệ thống trạm sạc xe điện của PV Power không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các trạm sạc mà còn hướng tới việc phát triển một mạng lưới trạm sạc đồng bộ trên toàn quốc. PV Power sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả và khả năng phục vụ của các trạm sạc.
Trao đổi với PetroTimes về kế hoạch phát triển trạm sạc trong thời gian tới, PV Power cho biết, Nghị quyết chiến lược phát triển PV Power trong giai đoạn tới cũng xác định việc đầu tư, xây dựng các trạm sạc cho xe điện mở ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp cũng như phù hợp với chủ trương định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Việc xây dựng các trạm sạc thí điểm là bước đầu tiên của PV Power cần thực hiện để hướng tới các mục tiêu xa hơn là mở rộng số lượng, vị trí, công suất ra toàn quốc và trở thành một trong những đơn vị cung cấp trạm sạc xe điện uy tín trong cả nước.
Theo kế hoạch của PV Power, sau 2 năm thí điểm, PV Power sẽ đánh giá lại hiệu quả của dự án, sau đó sẽ phát triển đồng bộ trên toàn quốc, dự kiến đến năm 2035 sẽ phát triển thêm 1.000 trạm sạc.
Thị trường tiềm năng nhưng nhiều rủi ro
Theo nhận định của PV Power, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc phát triển thị trường xe điện, điều này cũng mở ra triển vọng cho sự phát triển của hệ thống trạm sạc xe điện.
Cụ thể, tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg về lộ trình chuyển đổi sang xe điện với các mốc quan trọng: 100% xe buýt sẽ sử dụng điện vào năm 2025, 100% taxi vào năm 2030 và 100% phương tiện giao thông cơ giới vào năm 2050.
Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng dự báo đến năm 2028, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Từ những cơ sở trên, PV Power cho rằng, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường này. Tuy vậy, việc đầu tư vào phát triển trạm sạc xe điện vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức.
Việc phát triển trạm sạc đòi hỏi một khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Chi phí đầu tư ban đầu có thể rất cao và việc thu hồi vốn có thể kéo dài nếu doanh thu không đạt như dự kiến.
Trong đầu tư, doanh nghiệp thường phải đi vay đến 70% vốn, ít có doanh nghiệp nào có sẵn tiền để đầu tư, đặc biệt đối với những lĩnh vực mới như trạm sạc, thì mức độ rủi ro càng cao. Chính vì vậy, đến nay, chưa có công ty nào đầu tư thương mại vào lĩnh vực này, hiện chỉ có VinFast đầu tư xây dựng trạm sạc tại Việt Nam nhưng chỉ dành cho các xe điện do VinFatst sản xuất.
Phát triển trạm sạc tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh rủi ro về tài chính, việc phát triển trạm sạc tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần phải tháo gỡ.
Theo PV Power, trong quá trình làm thủ tục xây dựng trạm sạc thí điểm, PV Power gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ dự án, chẳng hạn như thoải thuận đấu nối giữa bên mua điện và EVN còn nhiều thủ tục phức tạp; việc tìm vị trí đặt trạm sạc và công suất trạm sạc phụ thuộc nhiều vào sơ đồ tải của nguồn điện, không phải chỗ nào cũng đủ công suất để lắp đặt…
Để phát triển hệ thống xe điện toàn diện, đồng bộ, đòi hỏi phải có hệ thống trạm sạc đa năng, có khả năng hỗ trợ sạc cho nhiều dòng xe của các thương hiệu khác nhau. Do vậy, việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả các loại xe điện có chuẩn sạc khác nhau cũng là một thách thức.
Từ những khó khăn trên, để phát triển trạm sạc xe điện đồng bộ, hiệu quả, PV Power đề xuất cần xây dựng chính sách, pháp lý tổng thể và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… Bên cạnh đó, cần có một cơ chế về giá điện cho trạm sạc để khuyến khích được cả nhà đầu tư và người dùng xe điện.
Đồng thời, cần có cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, hỗ trợ vay vốn sản xuất/nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh, cùng các chính sách ưu đãi về thuế, giá bán điện, nguồn cung điện để trạm sạc hoạt động…
Việc áp dụng giá điện kinh doanh cho trạm sạc có ý nghĩa rất lớn. Cùng với những cập nhật mới về quy chuẩn, thủ tục xây dựng trạm sạc theo hướng đơn giản hơn chắc chắn sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Nguồn: PV Power